Những Khuôn Mặt Đang Đẩy Hoa Kỳ Vào Con Đường Xã Hội Chủ Nghĩa

Kể từ ngày lập quốc tới nay, Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia lý tưởng mà nhiều người trên thế giới vẫn mơ ước tới.  Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về chia rẽ chủng tộc và văn hóa. 

Thành phần cực tả đã và đang xóa bỏ lịch sử, xóa bỏ biên giới của đất nước.  Bản quốc ca và ngày Độc Lập cũng bị họ tấn công.  Vào dịp lễ độc lập vừa qua, Dân Biểu Maxine Waters tuyên bố “Ngày 4 tháng 7 là ngày độc lập của người da trắng vì thời kỳ đó người da đen còn bị làm nô lệ.”  Bà này cũng như một số dân biểu cực đoan khác đã bị ảnh hưởng của “hội chứng” kỳ thị chủng tộc, thù ghét nước Mỹ nên đã quên rằng “Lễ Độc Lập là ngày lễ liên bang kỷ niệm ngày 4 tháng 7 năm 1776 là ngày công bố Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ không còn trực thuộc vào Vua George Đệ Tam của vương quốc Anh nữa.” 

Chủ Tịch Quốc Hội Nancy Pelosi

Ngày 14/01/2017, NBC News đã có một bài báo dưới tựa đề “Barack Obama và tổ chức của ông ta đang chuẩn bị thử thách TT Trump.”  Phóng viên Perry Bacon cho rằng Obama sẽ không hoàn toàn ra đi nhưng ông ta sẽ chuyển sang một giai đoạn mới trong sự nghiệp chính trị.  Trước khi rời tòa Bạch Ốc, Obama đã đọc bài diễn văn tạm biệt quốc dân tại McCormick Place, thành phố Chicago.  Obama đã nhấn mạnh “Tôi sẽ chống lại sự kỳ thị đối với người Mỹ gốc Hồi Giáo.”  Đây là thông điệp Obama gởi cho tân Tổng Thống.  Obama đã lên chiến lược đánh phá TT Trump?   

Hơn 4 năm qua, chúng ta đã chứng kiến Chủ Tịch Quốc Hội (CTQH) Nancy Pelosi thông đồng với truyền thông thiên tả đánh phá TT Trump, thậm chí họ còn muốn tiêu diệt Tổng Thống và những người thân cận hoặc nhân viên thuộc cấp của ông.  Bà Nancy Pelosi đã nhiều lần công khai đả kích TT Trump, bà ta nói “Trump đã sai trong tất cả mọi vấn đề, tôi phải chống lại ông ta. Như việc xây tường, Trump cứ nói về bức tường biên giới nhưng quý vị nhớ rằng khi tôi còn hơi thở thì ông ta sẽ không bao giờ có những bức tường đó.”  Bà Nancy Pelosi này còn bày tỏ hành động đối kháng khi xé thông điệp liên bang của TT Trump trước màn hình trực tuyến trên toàn quốc.  

Cuối năm 2019, Nancy Pelosi đã tiến hành thủ tục truất phế TT Trump.  Sau gần 2 năm điều tra, tốn hơn 38 triệu, Công Tố Viên Đặc Biệt Bob Mueller đã không tìm ra được bất cứ một bằng chứng nào để kết luận TT Trump thông đồng với Nga.  Ngay cả khi TT Trump mãn nhiệm, Nancy Pelosi vẫn còn muốn luận tội TT Trump thêm một lần nữa, kết quả là cả hai lần đều bị Quốc Hội bác bỏ.  Không hiểu tại sao Nancy Pelosi đã hận thù TT Trump một cách quá khủng khiếp như vậy. 

Nancy Pelosi xuất thân từ một gia đình chính trị, có thân phụ đã từng là Dân Biểu liên bang và sau đó là Thị Trưởng.  Lần thứ nhất ra tranh cử, Nancy Pelosi đắc cử vào chức vụ Dân Biểu năm 1987 và tới năm 2007 trở thành nữ Chủ Tịch Quốc Hội đầu tiên.  Đảng Dân Chủ thường được biết tới là đảng của người nghèo nhưng chính khách Dân Chủ thì không nghèo.  Bà Nancy Pelosi cũng vậy, tài sản của bà ta trị giá tối thiểu hơn 100 triệu dollars, gồm vườn nho và đầu tư trong những công ty Big Tech.  Nhiều chính trị gia Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đã phê bình Nancy Pelosi là “người phụ nữ giầu có và ngạo mạn.” 

Hoa Kỳ đã bước vào khúc quanh lịch sử quan trọng khi cựu TNS Edward Kennedy và CTQH Nancy Pelosi nhiệt tình vận động cho Barack Obama ra tranh cử Tổng Thống năm 2008, và ông ta đã đắc cử, trở thành Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ. 

Obama theo xã hội chủ nghĩa

Stanley Kurtz, Giáo Sư của trường Đại Học Harvard và Chicago, là thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách và Đạo Đức Nghề Nghiệp, là tác giả của nhiều tài liệu điều tra về Obama.  Giáo Sư Stanley Kurtz nhận định “Obama đã che dấu cốt lõi chính trị của mình bằng cách xuyên tạc tin tức để đánh bóng quá khứ.  Trong suốt cuộc đời trưởng thành, Obama đã bị ảnh hưởng bởi lý thuyết chủ nghĩa xã hội, và những mối quan hệ với các tổ chức cộng đồng theo chủ nghĩa xã hội cũng như những thành phần cực tả.  Nếu những điều này được phát hiện vào năm 2008 thì cử tri đã không bầu cho Obama.”

Một vài điểm chính trong tài liệu “Radical-in-Chief:  Barack Obama and the Untold Story of American Socialism” của Stanley Kurtz:

– Năm cuối ở Đại Học Columbia, Obama đã tham dự hội nghị “Socialist Scholars Conference” trong ngày 1 và 2 tháng Tư năm 1983 tại Great Hall of Manhattan’s Cooper Union, thành phố New York.  Obama đã tham dự hội nghị này nhiều lần sau đó, và ông ta là diễn giả của hội nghị trong 2 năm liên tiếp (1984 và 1985.)  Tên của Obama được tìm thấy trong danh sách Đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa của Hoa Kỳ (Democratic Socialist of America.)  Trong cuốn hồi ký “Dream from My Father” Obama đã nói rằng tham dự hội nghị “Socialist Scholars Conference” lần đầu tiên là yếu tố thay đổi cuộc đời của ông ta.

– Obama có sự liên hệ chặt chẽ với hai nhà lãnh đạo cực tả là Bill Ayers và Jeremiah Wright tại Chicago.  Hai người này là những nhà chủ trương cốt cán của những tổ chức cộng đồng hoạt động theo mô hình xã hội chủ nghĩa trong lãnh vực xã hội, y tế, giáo dục, tài chánh, tranh đấu cho công bằng và quyền lợi của người nghèo. Ngân sách hoạt động của những tổ chức này lên tới hàng trăm triệu mỗi năm, do chính quyền liên bang, chính quyền địa phương và tư nhân tài trợ.  Một số tổ chức điển hình là: UNO (United Neighborhood Organization), Midwest Academy, ACORN (Association of Community Organizations for Reform Now), Building One America, . . .  UNO và Midwest Academy là hai tổ chức có hệ thống trường học tư được chính phủ tài trợ.  ACORN là tổ chức vận động tranh cử cho Obama mạnh nhất trong năm 2008, tuy nhiên tổ chức này đã bị đóng cửa năm 2010 vì có nhiều hoạt động phạm pháp và đã gây thiệt hại trầm trọng về tài chánh của một số ngân hàng. 

– Chủ nghĩa xã hội, ảnh hưởng của các hội nghị chủ nghĩa xã hội, và những tổ chức cộng đồng theo chủ nghĩa xã hội đã định hướng hoạt động chính trị của Obama.  Trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng Thống, nhằm đưa đất nước vào con đường xã hội chủ nghĩa, Obama đã thực hiện từng giai đoạn một:  Khởi đầu là tạo cơ hội cho những tổ chức cộng đồng xã hội chủ nghĩa hợp tác với chính quyền.  Kế đó là thúc đẩy những tổ chức cộng đồng này đưa người ra tranh cử vào nhiều chức vụ của Hội Đồng Giáo Dục khu học chánh địa phương cũng như những chức vụ trong chính quyền tiểu bang và chính quyền liên bang. 

Chính quyền Joe Biden là nhiệm kỳ thứ 3 của Obama

Trong thời gian tranh cử, Joe Biden đã thỏa thuận với những nhà lập pháp cực tả là TNS Bernie Sanders, TNS Elizabeth Warren và Dân Biểu Alexandria Ocasio Cortez.  Để giành được chiến thắng, ông ta đã cam kết thực hiện chương trình nghị sự của họ.  Joe Biden đã ban hành những sắc lệnh bỏ ngỏ biên giới, ân xá cho di dân bất hợp pháp, hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone, giết chết kỹ nghệ xăng dầu, tăng thêm tiền cho quỹ Obamacare, tái gia nhập thỏa hiệp Biến Đổi Khí Hậu, bỏ lệnh trừng phạt Nga và Iran, . . .  Joe Biden đã lập lại chính sách của Obama.

Khi thành lập nội các, Joe Biden đã chọn 12 người từ chính quyền Obama cho nội các 16 thành viên của chính phủ.  Hầu hết những người này nắm giữ những chức vụ quan trọng:  Ngoại Trưởng Antony Blinken, Bộ Trưởng Bộ Nội An Alejandro Myorkas, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jacob Sullivan, Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia Avril Haines và Giám Đốc Chính Sách Đối Nội Susan Rice.  Rõ ràng Joe Biden chỉ là người tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội chủ nghĩa của Obama. 

Kim Nguyễn
July 28-2021 
Nhận Định Thời Cuộc