Tiền Thuế Sẽ Bị Phung Phí trong Dự Luật Hạ Tầng Cơ Sở

Mới hơn hai tháng làm việc kể từ ngày nhậm chức Tổng Thống, Joe Biden đã có nhiều thất bại.  Những quyết định sai lầm của Joe Biden đã gây ra tranh cãi, quan trọng nhất là thảm họa tại biên giới, kinh tế và trong lãnh vực đối ngoại.  Tuần lễ cuối tháng Ba vừa qua, Joe Biden đã phê bình luật bầu cử mới của tiểu bang Georgia là luật “Jim Crow mới”, nhằm tước đoạt quyền bầu cử của người da đen.  Thống Đốc Georgia Brian Kemp đã giận dữ chỉ trích Joe Biden là “xuyên tạc, có tính cách phân biệt chủng tộc, gây thiệt hại 100 triệu dollars cho thành phố Atlanta.”

Áp lực kinh tế

Kinh tế của Atlanta bị ảnh hưởng vì Major League Baseball (MLB), một tổ chức bao gồm 30 đội banh bóng chày chuyên nghiệp và lâu năm nhất của Hoa Kỳ, có trụ sở tại Atlanta, Georgia đã quyết định đem tất cả những cuộc thi đấu banh “All Star Game” tới Denver, tiểu bang Colorado.  Họ đã nghe theo lời của Joe Biden: phản đối chính quyền Georgia kỳ thị người da đen.  Bỏ Atlanta, một thành phố có tới 51% người da đen để đi tới Denver, thành phố có 90% người da trắng.  Hiển nhiên đây là hành động “kỳ thị chủng tộc.”  MLB nợ người dân Atlanta một lời xin lỗi.  Joe Biden đã phản bội lời hứa với dân chúng, trong diễn văn nhậm chức ông ta hứa sẽ đem lại đoàn kết nhưng ông ta đã làm ngược lại.

Luật bầu cử mới của tiểu bang Georgia không có điều khoản nào kỳ thị người da đen như ông Joe Biden cáo buộc. Bài xã luận của Wall Street Journal ngày Thứ Năm vừa qua đã nói “Họ phản đối luật bầu cử của Georgia, nhưng họ có đọc luật bầu cử mới này không?”  Mục đích của Joe Biden là tấn công những tiểu bang Cộng Hòa phản đối dự luật Bầu Cử HR-1.  Đây là chủ trương của đảng Dân Chủ, dự luật này đã được thông qua tại Hạ Viện đầu tháng Ba vừa qua.  Joe Biden thường nói rằng người dân phải đứng chờ lâu mà không được cho nước uống tại những địa điểm bầu cử, và những trung tâm bầu cử này đóng cửa lúc 5 giờ.  Lời nói của ông ta hoàn toàn sai sự thật, ông ta xuyên tạc như vậy chỉ nhằm thúc đẩy cho Dự Luật Bầu Cử HR-1 sớm được thông qua tại Thượng Viện.  Nếu dự luật này được trở thành luật thì nó sẽ thay đổi hoàn toàn nền dân chủ của Hoa Kỳ: chính quyền liên bang sẽ nắm độc quyền tổ chức bầu cử, thay đổi quy tắc bỏ phiếu của tất cả các tiểu bang, nhằm bảo đảm đảng Dân Chủ không bao giờ bị thua trong các cuộc bầu cử.

Cũng như tiểu bang Georgia, nhiều tiểu bang như Florida, Arizona, Texas, . . . đang xúc tiến việc ban hành luật bầu cử bảo vệ tính công bằng và minh bạch.  Hậu quả là một số đội banh chuyên nghiệp và một số công ty lớn hăm dọa sẽ di chuyển đi nơi khác, gây tình trạng thất nghiệp, giảm nguồn lợi kinh tế của tiểu bang.  Joe Biden và đảng Dân Chủ đang xử dụng chính sách đàn áp, khủng bố kinh tế nhằm đạt được mục đích cho phe phái của họ.

Dự luật hơn hai nghìn tỷ cho hạ tầng cơ sở được chi tiêu ra sao?

Ngày 31/3 vừa qua, Joe Biden đã công bố Dự Luật Hạ Tầng Cơ Sở.  Chính phủ sẽ đầu tư hơn hai nghìn tỷ cho dự luật này, hy vọng sẽ tạo nhiều công ăn việc làm qua những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển năng lượng xanh, lãnh vực sản xuất, . . .  Sau đây là một vài điểm chính dựa theo tài liệu của The Epoch Times:

– 621 tỷ dollars dành cho cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống, giao thông vận tải, xe điện, . . . Thay vì hợp tác với tư nhân qua những chương trình ưu đãi thuế chỉ tốn tới 1/3 ngân quỹ thì chính phủ liên bang lại nắm trọn quyền khai thác, như vậy sẽ tạo nhiều rủi ro và khó thành công.

– 561 tỷ dollars cho chương trình tân trang và tái thiết nhà ở, trường học, tiện nghi điện nước theo tiêu chuẩn Năng Lượng Xanh.  Chương trình này không nên được trợ cấp mà nên được tài trợ theo chính sách ưu đãi thuế.

– 480 tỷ dollars trợ cấp cho lãnh vực chế tạo, nghiên cứu và phát triển.  Điều này sẽ thất bại vì nó không sanh lời, chỉ gây ra lỗ lã và đi ngược lại lãnh vực sản xuất.  Joe Biden dự tính tài trợ cho lãnh vực chế tạo này dựa trên những khoản tiền thuế trong nhiều năm.  Môt cách hiệu quả là hợp tác với tư nhân qua những chính sách ưu đãi thuế. 

-400 tỷ dollars dành cho chương trình chăm sóc người cao niên và người khuyết tật.  Chương trình này không nên đưa vào dự luật Hạ Tầng Cơ Sở vì nó đã nằm trong ngân sách của Liên Bang.

Joe Biden nhắm vào tiền thu thuế để tạo ngân quỹ cho dự luật Hạ Tầng Cơ Sở:  Tiền thuế sẽ tăng lên tới 695 tỷ dollars từ các doanh nghiệp; thuế lợi tức kể cả từ ngoại quốc sẽ lên tới 495 tỷ dollars; thuế thu được từ luật cải tổ ngăn chặn trốn thuế tăng tới 217 tỷ dollars; 54 tỷ dollars thu được từ việc loại bỏ những ưu đãi thuế dành cho ngành nhiên liệu hóa thạch dù rằng ngành kỹ nghệ năng lượng này đang rơi vào tình trạng sụp đổ.

Nhìn chung những con số này chỉ là “giả định” không rõ thực tế là bao nhiêu phần trăm, tuy nhiên một hậu quả chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ bị công nợ ngập đầu, trả từ thế hệ này tới thế hệ sau cũng không hết nợ.  Trong phần bình luận trên Newsmax, chiến lược gia Dick Morris, cựu cố vấn của TT Bill Clinton đã gay gắt lên án dự luật Hạ Tầng Cơ Sở của Joe Biden.  Ông ta cảnh báo rằng “không cần nhìn đâu xa hơn là nhìn vào kinh nghiệm của đất nước tôi.  Sự chi tiêu phung phí của Tony Blair đã gây thảm họa cho nước Anh, rồi đây Biden sẽ gây thảm họa cho Hoa Kỳ khi ngân sách quốc gia bị cạn kiệt.” 

TNS John Kennedy (R-La.) phê bình dự luật Hạ Tầng Cơ Sở là dự luật từ thiện cho An Sinh Xã  Hội, Bồi Thường Nô Lệ, thúc đẩy kỹ nghệ Năng Lượng Xanh, trong khi đó chỉ có 10% cho hạ tầng cơ sở.”  Dự Luật này nhằm phát triển Năng Lượng Xanh.  Thành phần hưởng lợi nhiều nhất trong dự luật này là những công ty năng lượng xanh.  Giá trị cổ phiếu của những công ty này đang tăng mạnh vì lời hứa của Joe Biden qua những chương trình tín dụng thuế, bảo đảm nợ, . . .  Kế hoạch bảo trợ những công ty năng lượng xanh đã thất bại thời TT Obama khi PTT Joe Biden được giao trách nhiệm thực hiện với ngân quỹ hơn 800 tỷ dollars.  Nhiều công ty như Solyndra, Fisker Automotive, Abound Solar, . . . đã phá sản sau khi được bảo trợ những món nợ khổng lồ, có nhiều trường hợp lên tới hàng tỷ dollars.  Tại sao Joe Biden lại muốn đi vào vết xe đổ của chính mình?

Hoa Kỳ bị yếu thế trong lãnh vực đối ngoại

Những sắc lệnh đảo ngược chính sách di dân đã gây ra thảm họa tại biên giới.  PTT Kamala Harris được chỉ định lãnh trách nhiệm giải quyết vấn đề nhưng 2 tuần đã trôi qua mà Kamala Harris vẫn không có một động thái gì ngoài những phát biểu đổ lỗi cho TT Trump.  Tuy nhiên, Bộ Trưởng Nội An Alejandro Mayorkas thông báo là cần tiếp tục xây thêm tường biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng di dân hiện nay.  Cuối cùng đảng Dân Chủ đã nhận ra rằng chính sách di dân của TT Trump là thực tế và hợp lý.

Trong tuần qua Iran đã từ chối không gặp phái đoàn của Hoa Kỳ tại Vienna, thủ đô của Áo để bàn về thỏa thuận hạt nhân.  Phát ngôn viên của Iran là Ali Rabiei nói:  “Thương lượng giữa Iran và Hoa Kỳ sẽ không xảy ra.” Ông Rabiei nhấn mạnh rằng “Sẽ không có đại diện của Hoa Kỳ tham dự trong buổi họp chung của Ủy Ban Hỗn Hợp, những cuộc thảo luận trực tiếp hay gián tiếp với Hoa Kỳ không nằm trong chương trình nghị sự của phái đoàn Iran.”  Ông ta còn khẳng định rằng sẽ không có những cuộc thương lượng hội họp trừ khi Hoa Kỳ gỡ bỏ hết những lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran.”  (theo Breitbart News.)  Trước đây Obama đã chở một máy bay đầy tiền mặt tới cho Iran để đạt được thỏa thuận hạt nhân nhưng Iran đã không thực hiện những điều cam kết nên TT Trump đã hủy bỏ thỏa thuận này và còn ra lệnh triệt hạ Qasem Soleimani, Tư Lệnh lực lượng khủng bố của Iran.  

Iran đã dựa vào Nga và Trung Quốc nên không kiêng nể Hoa Kỳ nữa.  Trung Quốc đã công khai chế giễu Hoa Kỳ là “không đủ tư cách đạo đức và sức mạnh” trong buổi họp tại Alaska, và Putin thì thách thức Joe Biden tranh luận với ông ta.  Gần đây phóng viên của AP đưa tin là Nga và Trung Quốc đã gởi tới Liên Hiệp Quốc một thông cáo chung, phản đối Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ của nhiều quốc gia trên thế giới.  Ngoài ra Nga và Trung Quốc còn có ý định làm suy giảm giá trị đồng dollar trên thị trường quốc tế. 

Rõ ràng Hoa Kỳ không còn là một siêu cường nữa khi đất nước này có một Tổng Thống thiếu bản lãnh và một nền kinh tế yếu kém.   

Kim Nguyễn
April 08-2021
Nhận Định Thời Cuộc